Đổi mới phương thức tổ chức các phong trào thi đua

Thứ ba - 24/10/2017 14:20
(QT) - Sau 2 năm thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 7/4/2014 của Bộ Chính trị khóa XI; Chỉ thị 26/CT -TU ngày 17/10/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị, công tác thi đua, khen thưởng đã có chuyển biến tích cực, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội, bảo đảm quốc phòng- an ninh, đối ngoại và tăng cường đoàn kết dân tộc. Phong trào thi đua yêu nước đã được tổ chức sâu rộng, từng bước đổi mới nội dung, hình thức phát động thi đua, bám sát thực tiễn, gắn với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương, đơn vị. Công tác khen thưởng cơ bản bảo đảm theo quy định của pháp luật, đã động viên, tôn vinh kịp thời tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc. Việc phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt đã được quan tâm hơn. Hệ thống các văn quy phạm pháp luật về thi đua, khen thưởng từng bước được hoàn thiện. Bộ máy làm công tác thi đua, khen thưởng từ tỉnh đến cơ sở được củng cố, kiện toàn. Các cơ quan thông tin đại chúng có nhiều hình thức tuyên truyền về các phong trào thi đua và biểu dương người tốt, việc tốt.
Đổi mới phương thức tổ chức các phong trào thi đua
Phong trào thi đua nâng cao chất lượng thực hiện chuyên môn, nghiệp vụ của công chức, viên chức thành phố Đông Hà đang được triển khai rộng rãi và mang lại kết quả tích cực - Ảnh: HN
Để tổ chức phong trào thi đua có hiệu quả trong giai đoạn hiện nay, cần có phương pháp đổi mới nội dung, hình thức thi đua, nhân rộng điển hình tiên tiến và quy trình cụ thể, thiết thực. 

Thứ nhất, xác định đổi mới nội dung tổ chức phong trào thi đua, cần thực hiện tốt một số nội dung, yêu cầu là cấp có thẩm quyền phát động các phong trào thi đua chỉ phát động, triển khai phong trào thi đua khi đã xác định rõ mục tiêu, chỉ tiêu, đối tượng, nội dung, biện pháp, phạm vi tổ chức phong trào. Trong đó nội dung quan trọng nhất để tổ chức phong trào thi đua hiện nay là phải bám sát nhiệm vụ chính trị của tỉnh, địa phương, đơn vị để đề ra các phong trào thi đua hoàn thành toàn diện, vượt mức các nhiệm vụ, chỉ tiêu trong chương trình, kế hoạch đề ra hàng năm hoặc từng thời điểm cụ thể. Phong trào thi đua cần hướng về cơ sở và người trực tiếp công tác, học tập, lao động, sản xuất và chiến đấu, là lực lượng đông đảo thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, tổ chức, đơn vị. Với các phong trào lớn, phong trào mới, nhiệm vụ đề ra nhiều cần nghiên cứu, xem xét việc chọn, chỉ đạo điểm trong thời gian nhất định, để rút kinh nghiệm từ chỉ đạo điểm trước khi nhân rộng phong trào. 

Cần gắn kết các phong trào thi đua với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị (khóa XII), qua đó nâng cao chất lượng các phong trào thi đua. Từ các chuyên đề liên quan đến việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh như: Đăng ký thực hiện các chuẩn mực đạo đức theo tư tưởng Hồ Chí Minh; nêu cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu; các chuyên đề “Học tập tư tưởng Hồ Chí Minh trong nói và làm”, “Học tập tư tưởng Hồ Chí Minh về chống chủ nghĩa cá nhân”, “Tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức công vụ”…các cơ quan, tổ chức, đơn vị có thể gắn với nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ chuyên môn để đổi mới, đa dạng hóa các nội dung tổ chức phong trào thi đua trong phạm vi, đối tượng cụ thể của mình. 

Bên cạnh các phong trào thi đua thực hiện nhiệm vụ chính trị thường xuyên, cần chú trọng phát động các phong trào thi đua thực hiện các nhiệm vụ đột xuất, cấp bách hoặc đột phá vào những nhiệm vụ, lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm để giải quyết những khó khăn, yếu kém của từng đơn vị, địa phương. 

Thứ hai, cùng với đổi mới nội dung, đổi mới hình thức, phương thức tổ chức các phong trào thi đua yêu nước là yêu cầu tất yếu trong mọi giai đoạn cách mạng, là vấn đề quan trọng trong quá trình phát động triển khai các phong trào thi đua và là một trong những giải pháp để tổ chức phong trào thi đua đạt hiệu quả trong giai đoạn hiện nay. Để đổi mới hình thức tổ chức phong trào thi đua, hình thức tổ chức phong trào thi đua trước hết phải phù hợp với nội dung của phong trào và việc đổi mới hình thức thực hiện sẽ làm phong trào thi đua sinh động, đa dạng và hấp dẫn hơn. 

Hình thức tổ chức phong trào thi đua cũng phải phù hợp với đặc điểm, nhiệm vụ từng địa phương, đơn vị và khả năng tham gia của từng đối tượng cụ thể. Cơ quan, tổ chức, đơn vị triển khai phong trào thi đua cần nghiên cứu khả năng, điều kiện, chức năng, nhiệm vụ và nhất là đối tượng sẽ hưởng ứng, tham gia phong trào để thiết kế hình thức tổ chức phù hợp nhất với từng loại hình, đối tượng. Căn cứ vào thế mạnh, đặc thù của đối tượng hướng tới để có hình thức phù hợp trong thiết kế, tổ chức sẽ tạo nên hiệu quả cao của phong trào thi đua. 

Thứ ba, tăng cường phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng điển hình tiên tiến. Để tổ chức phong trào thi đua đạt hiệu quả, cần coi trọng việc phát hiện, bồi dưỡng điển hình và có nhiều hình thức biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến, các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu trong các phong trào thi đua, tạo sức lan toả trong toàn xã hội. Điển hình tiên tiến là kết quả, là sản phẩm của các phong trào thi đua, vì vậy thông qua các phong trào thi đua để phát hiện điển hình tiêu biểu của mỗi lĩnh vực, của từng giai đoạn và của cả phong trào. Các cấp ủy đảng, chính quyền và người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cơ quan, tổ chức, đơn vị thường xuyên tuyên truyền, quán triệt nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức và người trực tiếp lao động, sản xuất, công tác về vị trí, vai trò quan trọng của công tác phát hiện, bồi dưỡng điển hình tiên tiến. Làm tốt công tác phát hiện, bồi dưỡng điển hình tiên tiến sẽ tạo động lực thúc đẩy các phong trào thi đua yêu nước phát triển, từ đó góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị. 

Thứ tư, công tác sơ kết, tổng kết phong trào thi đua là một nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện phong trào thi đua. Các phong trào cần được kiểm tra, sơ kết, tổng kết, đánh giá đúng những kết quả đã đạt được, chỉ ra những mặt còn tồn tại, hạn chế và hướng khắc phục. Qua đó rút ra cách làm hay, kinh nghiệm tốt để bồi dưỡng, nhân rộng các điển hình tiên tiến; đồng thời phát hiện gương người tốt, việc tốt để đề xuất khen thưởng kịp thời. Việc khen thưởng chính xác, kịp thời sẽ có tác dụng nêu gương và tác động tích cực đến phong trào thi đua của mỗi địa phương, đơn vị. 

Tổng số điểm của bài viết là: 9 trong 4 đánh giá

Xếp hạng: 2.3 - 4 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây