Ban Thi đua Khen thưởng tỉnh Quảng Trị

https://tdkt.quangtri.gov.vn


Hiệu quả từ một phong trào thi đua

- Nhằm không ngừng nâng cao chất lượng dạy và học, những năm qua, bên cạnh việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học và nâng cao chất lượng chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, ngành Giáo dục- Đào tạo (GD-ĐT) huyện Vĩnh Linh còn thường xuyên tổ chức sôi nổi nhiều phong trào thi đua. Một trong những hoạt động nổi bật là phong trào thi đua “Dạy học tình nguyện phụ đạo cho học sinh yếu, bồi dưỡng học sinh giỏi” đối với cấp học Tiểu học, THCS và “ Dành thời gian nghỉ để làm đồ chơi, đồ dùng học tập” đối với bậc học mầm non.
Một tiết dạy phụ đạo cho học sinh Trường THCS Vĩnh Chấp, Vĩnh Linh

Yêu nghề, yêu trò thì phải thi đua”, đó là khẳng định của ông Lê Thanh Hải, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Vĩnh Linh. Theo ông Hải, các phong trào thi đua sẽ giúp nâng cao ý thức trách nhiệm, hết lòng vì học sinh của đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên. Để đạt được kết quả tốt nhất ở từng phong trào thi đua, các đơn vị sẽ phải tự mình đề ra những giải pháp hay nhất, phù hợp nhất bên cạnh những giải pháp chung của toàn ngành. Đây cũng là cách để phát huy trí tuệ tập thể nhằm cống hiến cho ngành những giải pháp thiết thực, áp dụng có hiệu quả ở từng chuyên đề giáo dục.

 

Tại Trường THCS Vĩnh Chấp, việc phụ đạo cho học sinh có học lực yếu kém là phong trào thi đua đã được duy trì từ hai năm nay. Mục đích của phong trào là giúp các em học sinh còn có học lực yếu kém vươn lên trong học tập, đạt được kiến thức chuẩn. Những ngày đầu mới triển khai, phong trào đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của cán bộ, giáo viên trong nhà trường, nhưng khi áp dụng vào thực tế thì lại gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân chính là vì các em đã bị hỗng kiến thức quá nhiều nên không theo kịp bài giảng, dẫn tới chán nản và không có hứng thú khi học. Thậm chí có em còn cảm thấy sợ hãi mỗi khi tiếp xúc với thầy, cô giáo vì lo lắng nếu lỡ kiểm tra kiến thức thì không thể trả lời được.

 

Chính vì vậy, các thầy, cô giáo trong nhà trường luôn ý thức được họ không chỉ là nhà sư phạm trong giảng dạy mà còn là nhà tâm lý trong giáo dục. Luôn quan tâm cải thiện mối quan hệ với học sinh sao cho các em cảm thấy gần gũi, dám bộc lộ, chia sẻ nguyện vọng của mình. Nhờ tấm lòng cởi mở, sự thân thiện nên các thầy, cô giáo đã dần xóa đi được khoảng cách giữa thầy và trò, tạo nên được mối quan hệ thân thiết với học sinh và quan trọng hơn là đã giúp các em tự tin, tìm được sự hứng thú trong học tập. Nhờ vậy, chất lượng đào tạo của nhà trường đã được nâng lên rõ rệt. Năm học 2016-2017 vừa qua, Trường THCS Vĩnh Chấp có trên 98% học sinh xếp loại học lực từ trung bình trở lên, học sinh có học lực yếu giảm xuống chỉ còn 2%.

 

Có dịp đến Trường Mầm non Hoa Phượng, thị trấn Hồ Xá, được cô giáo Nguyễn Thị Thu Hiền, Hiệu trưởng nhà trường dẫn đi tham quan các mô hình đồ chơi, đồ dùng học tập do các giáo viên của nhà trường tự làm đã khiến chúng tôi trầm trồ, thán phục. Từ những dụng cụ âm nhạc, bộ đồ chơi các loại động vật, bộ tranh học tạo hình kể chuyện, bộ đồ chơi phương tiện giao thông … tất cả các sản phẩm ở đây đều được tạo nên từ các loại nguyên, vật liệu sẵn có đã qua sử dụng.

 

Với trí tưởng tượng, tư duy sáng tạo và lòng tâm huyết, yêu nghề, yêu trẻ thơ, các cô giáo mầm non của trường đã thổi hồn mình vào từng sản phẩm một cách sinh động, đem đến cho các cháu sự hứng thú, hấp dẫn khi được vui chơi, học tập. Cô Nguyễn Thị Thu Hiền cho biết: “Việc sử dụng các nguyên, vật liệu đã qua sử dụng làm đồ chơi, đồ dùng học tập đã góp phần rất lớn trong việc nâng cao chất lượng giáo dục ở nhà trường. Việc làm này không chỉ làm tăng cơ sở vật chất cho nhà trường mà còn tạo ra sự hứng thú cho trẻ khi vui chơi, giúp các cháu biết sống thân thiện hơn với môi trường”.

 

Theo báo cáo của Phòng GD-ĐT huyện Vĩnh Linh, phong trào thi đua “Dạy học tình nguyện phụ đạo cho học sinh yếu, bồi dưỡng học sinh giỏi” đối với cấp học Tiểu học, THCS và “ Dành thời gian nghỉ để làm đồ chơi, đồ dùng học tập” đối với bậc học mầm non đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ các nhà trường. Chỉ tính riêng trong 3 tháng trở lại đây, đã có 6.313 tiết dạy tình nguyện cấp Tiểu học và THCS đã góp phần giúp các em học sinh có học lực yếu, kém tiến bộ rõ rệt, nhất là đối với các trường vùng khó khăn. Ở các trường mầm non, các cô giáo đã sáng tạo được 36 bộ đồ chơi và 82.112 đồ dùng đồ chơi tự làm. Có 73 phần việc, công trình chào mừng đối với tập thể trường với tổng số tiền gần 4,3 tỷ đồng được huy động từ nguồn đóng góp tự nguyện của phụ huynh và từ ngân sách; gần 3.000 ngày công của phụ huynh và các tổ chức chính trị -xã hội tại địa phương.

 

Ông Lê Thanh Hải, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Vĩnh Linh cho biết thêm: “Chính những phong trào thi đua đã làm thay đổi rõ rệt thái độ công tác của đội ngũ làm giáo dục bởi từ đây những nỗ lực của các thầy, cô giáo sẽ được ghi nhận xứng đáng. Thi đua đã tạo ra các mục đích cụ thể để mỗi cá nhân, tập thể phấn đấu, khiến các thầy cô thấy yêu nghề, yêu trò hơn. Thời gian tới, ngành GD-ĐT Vĩnh Linh tiếp tục triển khai sâu rộng các phong trào thi đua, kêu gọi sự hưởng ứng đông đảo của tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên toàn ngành, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn”.

 

Mỹ Hằng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây