Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách

Thứ năm - 15/08/2024 10:07
(Cổng TTĐT) Chiều ngày 14/8/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (TDCSXH). Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Quảng Trị có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam, Trưởng Ban Đại diện HĐQT Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Quảng Trị
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Quảng Trị
(Cổng TTĐT) Chiều ngày 14/8/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (TDCSXH). Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Quảng Trị có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam, Trưởng Ban Đại diện HĐQT Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Quảng Trị

Báo cáo tại hội nghị cho biết, sau 10 năm thực hiện Chỉ thị 40 của Ban Bí thư với quyết tâm cao trong lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng; sự vào cuộc đồng bộ, kịp thời của cả hệ thống chính trị, Chỉ thị đã thực sự đi vào cuộc sống, phản ánh được thực tiễn, nguyện vọng của Nhân dân, phát huy được sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong triển khai TDCSXH, góp phần thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách, các mục tiêu, nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước đã đề ra về giảm nghèo, tạo việc làm, phát triển nguồn ngân lực, bảo đảm an sinh xã hội và phát triển kinh tế theo định hướng xã hội chủ nghĩa, củng cố thêm lòng tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.

Trong 10 năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách có sự tăng trưởng vượt bậc, tốc độ tăng trưởng ổn định qua các năm, năm sau cao hơn năm trước. Đến 31/7/2024, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đạt 373.010 tỉ đồng, tăng 238.338 tỉ đồng (gấp gần 2,8 lần) so với khi bắt đầu thực hiện Chỉ thị số 40, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 10,8%. Nguồn vốn đã tạo điều kiện cho trên  21 triệu lượt hộ nghèo, đối tượng chính sách được vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất - kinh doanh; giúp hơn 3,1 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; hơn 4,2 triệu lao động vay vốn tạo việc làm; xây dựng hơn 13,2 triệu công trình cung cấp nước sạch, vệ sinh, môi trường đến với người dân vùng nông thôn; hơn 610 nghìn học sinh, sinh viên vay vốn trang trải chi phí học tập; hơn 193 nghìn căn nhà cho người nghèo và các đối tượng chính sách và hơn 1,2 triệu lượt lao động được doanh nghiệp vay vốn trả lương do ảnh hưởng dịch Covid-19…

Tín dụng CSXH góp phần giảm tỉ lệ hộ nghèo trong từng giai đoạn, giai đoạn 2011 - 2015 từ 14,2% xuống 4,25%, giai đoạn 2016 - 2021 từ 9,88% xuống 2,23%, đến cuối năm 2023 còn 2,93% (theo chuẩn nghèo đa chiều); góp phần ngăn chặn, từng bước đẩy lùi “tín dụng đen”, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhất là khu vực nông nghiệp, nông thôn, đồng thời đóng góp tích cực xây dựng các xã, huyện đạt chuẩn nông thôn mới trong cả nước. Hiện nay, 100% đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện đã cân đối, ủy thác vốn ngân sách địa phương sang NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay.

Kết quả đạt được trong 10 năm qua đã khẳng định Chỉ thị số 40 là giải pháp đúng đắn, phù hợp, thiết thực, mang tính đột phá trong chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện TDCSXH, qua đó, nhận được sự đồng tình, ủng hộ của các cấp, các ngành và đông đảo mọi tầng lớp Nhân dân; sự đánh giá cao của Ngân hàng Thế giới và các tổ chức quốc tế, góp phần thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng mà Đảng, Nhà nước đề ra.

Tại Quảng Trị, sau 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 40 và các văn bản liên quan đã làm thay đổi một cách sâu sắc nhận thức và hành động của các cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội, cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong việc đẩy mạnh thực hiện TDCSXH.

Qua 10 năm thực hiện Chỉ thị 40, tổng dư nợ toàn tỉnh đạt hơn 5.000 tỉ đồng, tăng gần 3.400 tỉ đồng so với năm 2014 với tốc độ tăng trưởng trên 200%, bình quân hằng năm tăng 20%, phủ kín tại 125 xã, phường, thị trấn với 1.856 tổ tiết kiệm và vay vốn; có 76.959 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đang còn dư nợ, chiếm 42,3% tổng số hộ dân trên địa bàn tỉnh.

Tín dụng chính sách đã góp phần giúp 28.322 hộ dân vượt qua ngưỡng nghèo, gần 10 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học, 31.092 hộ vay vốn để tạo thêm việc mới. Đã có hơn 161.000 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn được xây dựng, 384 lượt hộ vay vốn đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài, hơn 2.100 hộ nghèo được hỗ trợ vốn vay để xây dựng nhà ở, hơn 1.300 hộ gia đình có thu nhập thấp được vay vốn để xây dựng nhà ở.

Nguồn vốn tín dụng chính sách đã phát huy hiệu quả to lớn, góp phần thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, phát triển kinh tế, ổn định đời sống an ninh chính trị, văn hóa, xã hội và xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Tại hội nghị, các đại biểu bộ, ngành, địa phương đã thảo luận, trao đổi kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai TDCSXH; các giải pháp nhằm tiếp tục phát huy hiệu quả của TDCSXH trong thực hiện Chỉ thị 40 của Ban Bí thư.

Phát biểu kết luận tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao sự chủ động, tích cực của các bộ, ngành Trung ương, chính quyền địa phương các cấp, đặc biệt là sự đóng góp quan trọng của NHCSXH trong tham mưu, tổ chức thực hiện Chỉ thị 40. Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh trong thời gian tới các bộ, ngành, địa phương cần triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm: Tiếp tục quán triệt sâu sắc, thực hiện hiệu quả hơn nữa các chủ trương, quan điểm của Đảng về chính sách xã hội; sớm hoàn thiện nghị định về tổ chức và hoạt động của NHCSXH; thực hiện hiệu quả công tác điều hành; nâng cao chất lượng hoạt động ủy thác/ủy nhiệm giữa NHCSXH và các tổ chức chính trị - xã hội, ban quản lý tổ tiết kiệm và vay vốn; nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn tại các điểm giao dịch xã. Đồng thời, tăng cường vai trò, trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp xã trong thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với TDCSXH tại cơ sở.

Các bộ, ngành Trung ương tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định, nhằm tập trung nguồn lực, cải thiện cơ cấu nguồn vốn cho NHCSXH theo hướng ổn định, bền vững. Các địa phương cần tiếp tục quan tâm, cân đối, ưu tiên bố trí ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH, nhất là nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm, nguồn vốn cho vay nhà ở xã hội… 

Ngân hàng Chính sách xã hội tập trung ưu tiên nguồn vốn cho đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Đồng thời, làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, nâng cao năng lực dự báo, phân tích; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, hiện đại hóa ngân hàng; nâng cao năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp; xây dựng đội ngũ cán bộ có uy tín, phong cách làm việc tiên tiến, hiện đại, tận tâm, tận tụy phục vụ người dân.


Tác giả bài viết: Hồng Hà

Nguồn tin: Hồng Hà

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây